Đại dịch Corona đang khiến ngành nông sản Việt gặp khó, nông dân và đầu nậu làm thanh long, sầu riêng và mít tìm hướng ra

dua-hau

Theo nhận định của nhiều người trong ngành, thanh long – sầu riêng – mít là 3 loại trái cây bị ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch Corona, do Trung Quốc chính là thị trường xuất khẩu chủ lực của chúng. Ngoài ra, với ‘hiệu ứng domino’, các loại trái cây còn lại như chôm chôm, ổi, dưa hấu cũng bị ảnh hưởng xấu.

Đại dịch Corona đang khiến ngành nông sản Việt gặp khó, nông dân và đầu nậu làm thanh long, sầu riêng và mít tìm hướng raThanh long đang là loại trái cây gặp khó bởi ảnh hưởng của đại dịch Corona. Ảnh: Báo Long An

Theo thống kê sơ bộ mới nhất của CNBC, thế giới có thể mất tới 40 tỷ USD vì đại dịch Corona. Ở Việt Nam chúng ta, dù chưa có ước tính chi tiết, nhưng chắc chắn nền kinh tế của chúng ta sẽ ảnh hưởng không ít, nhất là ngành nông sản, do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt trong rất nhiều năm gần đây.

Hiện tại, theo chia sẻ của những người đang làm trong ngành nông sản, thì thanh long, sầu riêng và mít là 3 loại trái cây bị ảnh hưởng bởi đại dịch Corona nhất. Hiện tại, giá sầu riêng từ khoảng 70.000 ngàn đã rớt xuống còn nửa giá, thanh long từ 37.000 đồng/kg còn 5.000 đồng/kg.

Ngoài ra, với ‘hiệu ứng domino’, các loại trái cây còn lại như chôm chôm, ổi, dưa hấu cũng bị ảnh hưởng xấu. Chôm chôm từ 20.000/kg đồng đến 25.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 7.000 đồng/kg đến 8.000 đồng/kg, ổi chỉ còn 1.000 đồng/kg nhưng không có ai mua.

Sầu riêng gặp khó, đặc biệt khi vào chính vụ ở tháng 3

“Đại dịch Corona ảnh hưởng lớn đến các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, sầu riêng là một mặt hàng tiêu biểu khi sản lượng chính của nó sử dụng cho xuất khẩu.

Giá 9 Phẻ hay mua trung bình 70.000 đồng/kg đến 80.000 đồng/kg tại nhà vườn, hiện mua còn 60.000 đồng/kg đến 70.000 đồng/kg và có thể xuống thấp hơn nữa trong thời gian tới. Sở dĩ chúng tôi thu mua giá cao như thế là bởi chúng tôi thu hoạch sầu riêng khi nó đã chín già tự nhiên nên giá luôn mua cao hơn 20.000 đồng/kg so với mặt bằng chung, cũng như chúng tôi chọn vườn rất kỹ.

Hiện đang mùa nghịch, sản lượng sầu riêng còn thấp nên mảng này có thể chưa bị ảnh hưởng quá nặng. Tuy nhiên, sau 3 tháng nữa, khi miền Tây bước vào chính vụ và sau đó trải ra thêm mấy tháng chính vụ tại miền Đông và Tây Nguyên; mà Trung Quốc nhập ít hoặc không nhập hàng nữa, thì ngành sầu riêng Việt Nam mới thấm nặng… Đặc biệt nữa, chất lượng sầu riêng hiện nay của Việt Nam sản xuất khá thấp, chỉ phù hợp với thị trường Trung Quốc”, anh Hà Duy Trung – ông chủ của thương hiệu sầu riêng 9 Phẻ, chia sẻ với chúng tôi.

Đại dịch Corona đang khiến ngành nông sản Việt gặp khó, nông dân và đầu nậu làm thanh long, sầu riêng và mít tìm hướng ra - Ảnh 1.

Anh Hà Duy Trung – chủ thương hiệu sầu riêng 9 Phẻ (bên phải).

Còn theo chị Ngô Tường Vy – Phó Giám đốc công ty Chánh Thu, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn nhất miền Tây, thì không chỉ nông dân mà các đầu nậu hoặc thương lái cũng bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Corona.

Hiện tại, trên thị trường, giá sầu riêng Ri6 từ 70.000 đồng/kg đến 90.000 đồng/kg, rớt xuống còn 60.000 đồng/kg – 50.000 đồng/kg, Monthong chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg – 40.000 đồng/kg. Với tình hình này, mức giá nói trên sẽ có xu hướng rớt xuống nữa.

“Hiện tại, Chánh Thu vẫn đang cố gắng thu mua sầu riêng của bà con để làm hàng cấp đông, sau đó tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nhờ những đối tác ở các thị trường khác hỗ trợ, nhưng rất khó, vì không giống Trung Quốc, những thị trường khác không chuộng sầu riêng cũng như sầu riêng cấp đông. Nói thật, chúng tôi cũng đang rất lo lắng, không biết tương lai của ngành sầu riêng sẽ như thế nào, vì thật ra đại dịch này sẽ không thể chấm dứt trong ngày một ngày hai.

Còn về Chánh Thu, may mắn là chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều. Do khoảng 1 năm trở lại đây, Trung Quốc siết chặt chất lượng sầu riêng và hạn chế nhập, nên chúng tôi chỉ làm hàng sầu riêng khi có đơn đặt hàng. Tức là, Chánh Thu không hề trữ hàng và không bị ảnh hưởng nhiều khi các cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc đóng cửa. Các thương lái chuyên làm hàng đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch sẽ bị ảnh hưởng nhiều”, chị Tường Vy kể.

Mặc dù đang rất lo lắng, nhưng theo chị Tường Vy, thông qua sự kiện này, ngành nông sản Việt Nam có cơ hội tự nhìn nhận lại bản thân một cách sâu sắc hơn. Lần nữa, chúng ta phải tự ngồi lại để bàn cách phát triển theo hướng bền vững – chất lượng cao, để không phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào. Khi nông sản có chất lượng tốt, nếu không bán được cho thị trường Trung Quốc chúng ta sẽ bán cho thị trường khác.

Thế nên, dù không biết khi nào thị trường Trung Quốc mới hồi phục, nhưng chắc chắn sau đại dịch, nông sản Việt Nam sẽ phải quay lại thị trường này với một tâm thế khác.

Thanh Long đang trong tình thế gian nan

Do đang thời điểm chính vụ và không được ưa chuộng tại thị trường nội địa, nên thanh long là loại trái cây bị ảnh hưởng nhất.

Cũng theo chị Tường Vy, 1 tháng trước, các thương lái đã đến đặt cọc để mua thanh long xuất sang thị trường Trung Quốc, giờ họ không mua nữa và ngoài bỏ cọc, họ phải đền bù cho người nông dân khoảng 5.000 đồng/kg.

Hiện tại, nhiều nơi dưa hấu chỉ còn giá 1.000 đồng/kg, mua tại vườn. Ảnh: nongnghiep.vn

“Trong tất cả, mít – sầu riêng – thanh long là 3 loại trái bị tác động nhiều nhất. Trước đây 1 tháng, thanh long dành cho xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc được định giá khoảng 37.000 đồng/kg, nay nông dân đang bán với mức giá 5.000 đồng/kg. Còn sầu riêng, từ 70.000 đồng/kg giờ rớt xuống còn trên 20.000 đồng/kg.

Vấn đề nữa, là thị trường không ‘ăn’ lượng sầu riêng trả ngược lại từ phía cửa khẩu. Chẳng hiểu tại sao, thị trường Trung Quốc lại ưa chuộng sầu riêng ‘yếu tuổi’ hay trong khi thị trường trong nước chỉ thêm chút thuốc nước cho mau chín thì hàng đi Trung xử lý thuốc gì đó, mà sầu riêng dội ngược từ cửa khẩu ăn khá dở.

Ở khía cạnh khác, do hiệu ứng rớt giá của 3 loại trái cây kể trên, những loại trái cây khác như dưa hấu, ổi hay chôm chôm cũng bị ảnh hưởng. Hiện chôm chôm, từ 20.000 đồng/kg đến 25.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 7.000 đồng/kg – 8.000 đồng/kg; ổi còn 1.000 đồng/kg nhưng cũng không thấy ai tới hỏi mua. Dù vậy, vì giờ không phải là mùa chôm chôm, nên thiệt hại của người làm trái này vẫn chưa lớn”, chị Nguyễn Thị Tố Ngân – một thương lái trái cây có 10 năm trong nghề, cho biết.

Hiện tại, giá mít Thái cũng giảm còn 10.000 đồng/kg đến 7.000 đồng/kg. Trong khi năm ngoái, ở thời điểm này, giá mít bán tại vườn khoảng 50.000 đồng/kg đến 70.000 đồng/kg.

Theo đó, không phải tất cả các tỉnh ở miền Nam đều bị thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch Corona, mà chỉ một số tỉnh trồng nhiều 3 loại trái cây kể trên, ví dụ như Bình Thuận, Tiền Giang, Long An.

“Theo quan sát của tôi, thanh long – dưa hấu và mít là 3 loại trái cây bị ảnh hưởng từ đại dịch Corona nặng nề nhất. Và vì nông sản chủ lực của tỉnh Bến Tre là dừa, bưởi da xanh… và chúng tôi đã xây dựng được những chuỗi sản xuất khép kín, có chất lượng cao và có sẵn đầu ra, nên tác động từ đại dịch Corona lên ngành nông sản tỉnh Bến Tre không nghiêm trọng.

Ví dụ: dừa ở Bến Tre chủ yếu xuất khẩu tinh, tức là qua chế biến để đi các thị trường như Mỹ – châu Âu. Chúng tôi có xuất khẩu dừa thô đi Trung Quốc nhưng vì làm theo chuỗi và bảo đảm chất lượng, nên nếu không đi Trung được chúng tôi có thể chuyển hướng tiêu thụ trong nước hoặc ở các thị trường khác. Tương tự, do làm theo chuỗi nên mặt hàng bưởi da xanh của chúng tôi đang tiêu thụ tốt trong nước và không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Corona”, ông Huỳnh Quang Đức – Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, kể.

Nguồn Cafebiz.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN

Close menu
Close menu