Thuận Bình là xã biên giới của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Những năm qua, chính quyền và nhân dân trong xã luôn ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Nhiều nông dân tại địa phương đã tiếp cận và mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào trồng chanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất và chất lượng chanh của gia đình ông Hồ Minh Toàn (ấp Gãy, xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) luôn được bảo đảm
Theo người dân địa phương, cây chanh được vài hộ dân trong xã trồng từ khoảng năm 2008, theo phương pháp truyền thống. Lúc đó, do là loại cây mới, lo ngại không hợp với thổ nhưỡng nên nông dân còn e ngại. Sau này, khi thấy hiệu quả kinh tế cao, nhiều người bắt đầu mở rộng diện tích.
Hiện nay, xã Thuận Bình có hơn 326ha chanh, chủ yếu là chanh không hạt. Nắm bắt thế mạnh và thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 của huyện, xã Thuận Bình chọn chanh làm loại cây chủ lực. Qua đó, thúc đẩy có hiệu quả việc ƯDCNC trên cây chanh, góp phần đưa nền nông nghiệp của xã phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Bình – Nguyễn Kim Tiếng, thời gian qua, Hội tập trung vận động hội viên, nông dân tham gia các buổi hướng dẫn, tập huấn về ƯDCNC trên cây chanh. Hiện nay, trên địa bàn xã có 73,5ha chanh được trồng theo hướng ƯDCNC với việc áp dụng hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm nước, sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học và các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây tràm sang cây chanh, gần 2 năm qua, anh Lê Văn Tài (ấp Đồn A, xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) ƯDCNC trong việc trồng chanh từ những ngày đầu. Anh Tài đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho 0,5ha chanh của gia đình với chi phí khoảng 35 triệu đồng. Được biết, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin nên hầu như các khâu lắp ráp hệ thống tưới đều do chính tay anh thực hiện, nhờ vậy tiết kiệm được chi phí nhiều so với thuê lắp đặt bên ngoài (nếu thuê sẽ hơn 50 triệu đồng).
“Từ khi có hệ thống tưới tự động, chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối internet thì dù ở đâu tôi cũng có thể tưới nước cho cây, không cần phải kéo vòi khắp vườn như cách tưới truyền thống. ƯDCNC vào việc trồng chanh giúp tiết kiệm nhân công, tăng hiệu quả sản xuất. Nhờ hệ thống tưới, tôi có thể tranh thủ làm việc khác xa nhà nhưng vẫn có thể tưới chanh. Để tiện quan sát vườn chanh, tôi còn gắn thêm camera” – anh Tài chia sẻ.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây chanh, ông Hồ Minh Toàn (ấp Gãy, xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) chuyển 1ha đất trồng lúa sang trồng chanh từ năm 2019 và bắt đầu ƯDCNC từ cuối năm 2021. Ông Toàn cho biết, gia đình sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP; cắt tỉa cành, tạo tán, loại bỏ cành sâu để cây phát triển tốt. Nhờ vậy, giảm được công chăm sóc, số lần phun thuốc hóa học, tiết kiệm được nước, phân bón rất nhiều so với trồng theo cách truyền thống.
Ông Toàn cho biết thêm, chanh không hạt trồng khoảng 1,5 năm là cho thu hoạch. Sử dụng phân bón hữu cơ, tuổi cây sẽ kéo dài lâu hơn, từ 7-8 năm. Với 500 gốc chanh, mỗi tháng, gia đình ông có thể thu hoạch khoảng 5 tấn. Nhờ được bao tiêu nên chanh bán được giá cao hơn thị trường, giá bán chanh khoảng 20.000-25.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Được biết, hiện nay, gia đình ông Toàn thu về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm và thời gian tới tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang chanh theo hướng ƯDCNC với những phần đất còn lại.
Qua quá trình triển khai việc ƯDCNC trên cây chanh cho thấy giảm gần 30% chi phí đầu tư, từng bước cải tạo và khôi phục độ màu mỡ của đất trồng. “Việc ƯDCNC sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng giá trị thương mại của sản phẩm và góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân” – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Bình – Nguyễn Kim Tiếng thông tin./.
St: baolongan.vn