Kỹ Thuật Trồng Cây Tắc

Quả-tắc

Cây Tắc, Quất, Hạnh thuộc họ cam Rutaceae, có tên khoa học là Citrus microcarpa (Hassk. ) Bunge. Tiếng Anh, Pháp gọi là Kumquat, Clementine. Có nguồn gốc từ châu á nhiệt đới, Trung Quốc, Nhật Bản, được trồng từ lâu ở nước ta nhất là ở Cái Mơn, để lấy quả làm nước uống, làm mứt ăn hoặc làm cây cảnh để trang trí vào những dịp Tết.

Mô tả:

Cây tắc là cây nhỏ, cao cỡ 1m- 1, 5m, thân dẻo màu xanh xám, phân nhiều cành nhánh, lá đơn hình bầu dục, màu xanh thẫm, cuốn có cánh rất nhỏ, có đốt ở đầu. Hoa thường đơn độc, nở xòe 5 cánh màu trắng tươi, rất thơm, chùm nhụy rất ngắn. Đậu thành quả hình cầu, lúc còn non màu xanh bóng, khi già chín đổi thành màu vàng cam, rất đẹp. Bên trong ruột có nhiều múi màu vàng nhạt, chứa nhiều nước chua gắt nên thường dùng để làm nước uống với đường rất đã khát hoặc làm mứt để ăn…

Kỹ thuật trồng:

Cây tắc có thể gieo trồng từ hạt, nhưng thường chiết cành mới cho trái nhanh hơn. Sau khi chơi Tết xong, vô phân, tưới nước chăm sóc trở lại bình thường, thời vụ chiết kể từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, bằng cách bó bầu, không nên chiết nhánh to quá, mà nên chiết cành nhánh nhỏ cỡ 1- 1, 5cm đường kính, dài cỡ 40- 50cm là vừa. Đến tháng 4 tháng 5 âm lịch thì cắt đem trồng được, trước khi trồng nên ngâm bầu vào nước cỡ vài phút cho thấm nước đều, bây giờ có thể trồng xuống líp hoặc trồng vô chậu cũng được, trồng xong nên cắt bỏ bớt những đọt quá non dễ bị héo, cũng cắt bỏ những lá già xấu xí, rồi phải tưới đẫm nước, nhớ cắm 1 cây cọc buộc giữ thật chặt không cho lay động, cây sẽ tiếp tục sống mạnh. Cỡ 10 ngày sau, cây mới trồng đã ra chồi và rễ, phải vô thêm đất nhỏ, bón lót thêm phân chuồng hoai, phân bánh dầu, phân hóa học NPK 30- 10- 10 đúng theo liều lượng và cần thiết nên bón thêm một ít phân vôi. Cây tắc không cần phải tưới nước mỗi ngày, cách khoảng 2- 3 ngày tưới một lần cũng được. Mỗi tháng mỗi làm cỏ, xới đất, bón thúc thêm phân chuồng hoai và phân lân để kích thích ra hoa ra trái, tuy nhiên cây tắc mới trồng một năm không chơi Tết được vì còn quá nhỏ, phải trồng nhiều cây vô một giỏ hay một chậu. Cây Tắc ra hoa ra trái quanh năm, nếu không cần ăn trái thì ngắt bỏ hết để nuôi cây cho lớn để dành qua năm sau.

 

Cách đảo cây Tắc:

Qua năm thứ 2, thứ 3, cây Tắc mới lớn, nên chăm sóc kỹ trước khi đảo. Trước tiên phải ngắt bỏ hết hoa trái, bón thúc phân để tập trung nuôi dưỡng tàng lá. Từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch, cứ mỗi tháng mỗi bón thúc phân chuồng hoai, phân bánh dầu, xới gốc, cây tắc đã phát triển mạnh rồi nên phun một lần thuốc trừ sâu rầy để ngừa sâu bệnh, đến cuối tháng 5 đầu tháng 6 âm lịch  là thời vụ để đảo cây Tắc, nghĩa là bứng cây Tắc lên đừng để cho bể bầu rễ, rồi trồng lại sang qua giỏ khác, chậu mới to hơn đẹp hơn, đã chuẩn bị sẵn từ trước với đầy đủ chất dinh dưỡng. Bây giờ mới tập trung chăm sóc kỹ hơn, tưới nước tưới phân cho cây sống mạnh, bắt sâu rầy khi cần. Sau khi đảo cây Tắc cỡ một tháng sẽ có một đợt ra hoa đầu tiên, nên lảy bỏ hết, đến đợt sau ra hoa nỡ rộ, đợi cho các cánh hoa rụng hết, cỡ một tuần lễ, là bắt đầu bón thúc phân chuồng hoai, phân Lân, nhất là phân hóa học Sulfat Kali K2SO4 cỡ 10gr cho một bình 8 lít, không nên bón phân chlorua Kali KCl, trái sẽ mất mùi thơm, có thể rắc thêm vôi bột cách xa gốc cỡ 10- 15cm. Khi thấy cây ra nhiều chồi nhánh quá, phải tỉa bỏ bớt những cành nhánh dư thừa tạo cho cây tắc có hình dáng đẹp. Cứ tiếp tục tưới nước chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, mỗi tháng mỗi bón thúc thêm phân, đến tháng 12 âm lịch, khi trái tắc bắt đầu chín mới thôi. Thời kỳ này hay có côn trùng, sâu rầy, rệp sáp. bọ xít, sâu ăn trái, ruồi đục trái phá hại, nên phun thuốc ngừa trước như: Vibasu 10H, Bi 58,  Trebon, Decis, Supracide, Dipterex đúng theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì.

 

Xuất cây Tắc:

Trồng Tắc thì dễ, nhưng muốn cho cây Tắc có hoa trái đồng loạt đúng dịp Tết Nguyên Đán mới là khó. Còn phải tùy thuộc vào thời tiết, vào tiểu khí hậu môi trường đất nơi trồng. Nếu năm nào nhuần phải đảo trễ hơn một tháng. Ngày nay do nhu cầu chơi cây cảnh, phong trào trang trí cây Tắc trở thành một mối ưa thích của nhiều người. Làm sao mua cho được một cặp Tắc kiễng đơm chung quanh toàn là trái chín vàng cam, có dáng đầy đặn như một mâm xôi, lá tắc phải có màu xanh bóng, tốt tươi, bên trên còn có một ít búp lộc non tơ với một ít quả xanh, một ít chùm hoa trắng tinh xinh đẹp, đem về trưng bày nơi phòng khách sang trọng, với lòng mong ước năm mới được nhiều phước lộc, sung túc may mắn cả năm cho nhiều thế hệ trong gia đình. Muốn có được chậu tắc đẹp là bí quyết của những nhà vườn nhiều kinh nghiệm ở Cái Mơn, phải chăm bón đúng lúc, đúng kỹ thuật như: tỉa bỏ những nhánh ốm yếu cao lêu nghêu, để khi mang chùm trái không bị trĩu nặng rủ cành xuống xem không đẹp, khi cây tắc quá sung phải cắt tỉa bỏ trước bớt rễ, để khi chưng Tết, cây tắc để trong nhà khô hanh vẫn không héo chồi lộc, vì cây tắc đã ra nhiều rễ non ăn phân tốt mạnh khỏe, chịu đựng để trong nhà lâu ngày, do đó kỹ thuật trồng tắc mới có thiệu: ”Mít cắt cành, chanh cắt rễ”.

 

Kết luận:

Những năm gần đây do kinh tế phát triển, đời sống đi lên, các nhà vườn trồng tắc bán rất chạy, không có lỗi thời, ế ẩm như cây cau, cây thiên tuế…vì cây tắc đẹp đẽ sum suê, sai trái còn có nghĩa là đông con có hạnh phúc, cả năm được sung túc được nhiều tài lộc.

Một cặp tắc đẹp có dáng đầy đặn, chung quanh toàn là trái vừa chín vàng kim, vừa già màu xanh bóng, vừa có lộc non với hoa màu trắng tinh, được uốn sửa thành hình tháp nhọn, cao cỡ 1mét, 1 mét rưỡi, là kỳ công chăm sóc bón phân, tưới tiêu hàng ngày của nhà vườn, có thể mua với giá cỡ một hai triệu đồng, để trang trí chung chơi trong 3 ngày Tết lấy hên cũng đáng đồng tiền, xứng với công phu và kỹ thuật của những nhà vườn ở Cái Mơn.

Nhà văn Nguyễn Tuân có viết: “Tết có một thứ cây kiểng rất vui gọi là Quất, trong Nam gọi là Tắc, người Pháp gọi là Clementine chớ không phải là quít nhỏ petite mandarine…Cây Quất ngoài Bắc cũng như cây Tắc trong Nam, vào dịp Tết ai cũng muốn bưng một gốc về nhà, người không đủ tiền thì đứng nhìn ngắm suông không thấy mỏi mắt…”. Cây Quất còn được Tam Nguyên Yên Đổ viết bài thơ “ Ái Quất “ cũng được Nguyễn Tuân dịch như sau :

   Yêu cây Tắc

Yêu cúc cùng yêu sen

Mỗi người yêu mỗi mặt

Ta tính vốn yêu chung,

Đến già chỉ yêu tắc !

Yêu vì cay không tê

Yêu vì chua không gắt,

Yêu vì ngọt khác đường

Yêu vì đắng khác mật.

Đã cho ta miếng ngon

Lại có công đã tật

Chẳng đua hương ngạt ngào

Chẳng chen nơi sầm uất

Vườn nhỏ từng sống quen

Hơi đông khó lòng nạt.

Quân tử hẳn anh này

Bọn thường khó đọ thật

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN

Close menu
Close menu